Chó Chow Chow là một loài chó cực kỳ đáng yêu, chắc chắn cô nàng nào cũng mê mẩn khi nhìn thấy chú chó này lần đầu tiên. Tuy nhiên đừng vội rinh một chú chó này về nuôi nếu không tìm hiểu kỹ thuật nuôi và chăm sóc chó Chow Chow nhé. Bởi vì để có một chú chó cảnh phát triển khỏe mạnh thì cần lưu ý rất nhiều điều đấy.

-
Chó Chow Chow là chó gì?
Chó Chow Chow là một giống chó xuất hiện từ rất lâu ở Trung Quốc. Chó được biết đến với rất nhiều cái tên như Tổng Sư Khuyển, Đường khuyển. Có nhiều người tin rằng đây chính là hình mẫu để tạo ra những tượng đá Nghê thường thấy ở trước cửa chùa Phật giáo và cung đình. Chúng là một trong những giống chó cổ xưa nhất ở Trung quốc còn tồn tại đến ngày này. Tính đến này chúng đã xuất hiện được khoảng 2000 năm.
Trước khi được đưa về nước Anh vào năm 1880 và trở thành giống chó cưng của nữ hoàng Victoria thì giống chó này được nuôi để săn bắn, kéo xe và canh gác. Ngoài ra bộ lông dày của giống chó này được sử dụng làm áo lông. Thậm chí thịt của chúng còn được xem là món đặc sản ở Trung Quốc.
Thực ra trước khi trở thành chó cưng của nữ hoàng Anh thì một số cá thể chó Chow Chow lông ngắn đã được lai tạo với các giống chó lông dài bản địa. Sau đó được lựa chọn rất cẩn thận trước khi được đưa đến với nữ hoàng.
-
Cách nuôi chó Chow Chow
Bạn đã biết nguồn gốc về chó Chow Chow rồi đúng không? Vậy thì đến với những thông tin được nhiều người quan tâm nhất đó là kỹ thuật nuôi và chăm sóc loài chó này nhé.
2.1 Cách chọn giống chó Chow Chow
Chó Chow Chow được bán ở Việt Nam với giá khá cao khoảng 15 – 20 triệu đồng/ con. Chính vì thế tìm hiểu kiến thức để chọn những chú chó thuần chủng là rất cần thiết. Sau đây là một số đặc điểm bạn cần lưu ý để có được những chú chó thuần chủng nhé!
– Chow Chow là một giống chó có kích thước trung bình. Một chú chó trưởng thành có thể cao từ 45 – 56 cm và nặng từ 20 – 32 kg. Tuy nhiên để chọn chó thuần chủng thì cần chú ý đến những con có thân hình mập mạp, 4 chiếc chân ngắn, thẳng và đầy đặn cứng cáp. Vì đặc điểm này mà chúng có dáng đi không được tự nhiên. Bộ ngực rộng, phần thân sau ngắn gọn gàng.
– Một đặc điểm mà bạn có thể tìm thấy ở những chú chó Chow Chow thuần chủng chính là lưỡi có huyền đề tức là có phần nhiễm sắc thể màu xanh. Phần đầu của chó bành to, trán phẳng, mặt bị gãy, tai tròn và nhỏ, mõm ngắn rộng.
– Những chú chó này trở nên đáng yêu bởi bộ lông dày và rậm. Có hai loại chó lông dài và lông ngắn, tuy nhiên nhiều người chơi thường thích cho lông dài vì nó có bờm giống sư tử. Lông của chó có nhiều màu tuy nhiên phổ biến nhất là đỏ, đen, lam đen, kem, xám. Tuy nhiên người nuôi chó nên chú ý những chú chó thuần chủng chỉ đơn sắc không pha trộn bất kỳ màu sắc nào khác trên cơ thể ngoài màu lông chính.
2.2 Thức ăn cho chó Chow Chow
Chó Chow Chow không phải là một loài dễ nuôi chính vì thế khi quyết định nuôi loài chó này thì cần chú ý nhiều điều đặc biệt là chế độ dinh dưỡng. Tùy theo từng tháng tuổi mà cho chó ăn theo chế độ dinh dưỡng khác nhau. Cụ thể là:
– Chó con từ 1 – 2 tháng tuổi nên cho ăn cháo thịt băm nhuyễn và ăn loại thức ăn khô đã ngâm mềm. Nên cho chó ăn một lượng thức ăn vừa phải và chia làm 4 – 5 bữa/ ngày.
– Đối với những chú chó từ 3 – 6 tháng tuổi thì hệ tiêu hóa phát triển tốt hơn. Chính vì thế nguồn thức ăn của chúng có thể đa dạng hơn. Bổ sung thêm một số thực phẩm khác để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho chó. Nên nhớ là nấu chín kỹ trước khi cho chó ăn và không nên cho chúng ăn xương nhé.
– Khi chó Chow Chow từ 6 tháng tuổi trở đi bắt đầu cho chó ăn 2 – 3 bữa ăn mỗi ngày. Chất lượng những bữa ăn cần nâng cao hơn đặc biệt là nên bổ sung nhiều protein, canxi và đạm cho chó. Người nuôi cũng nên tập cho chó ăn các loại trái cây, bột ngũ cốc, phô mai, trứng gà để giúp chúng phát triển toàn diện.
2.3 Cách huấn luyện chó Chow Chow
Chow Chow là một loài thông minh tuy nhiên đôi lúc chúng cũng khá bướng bỉnh. Chính vì thế để huấn luyện loài chó này cần sự chính xác và kiên trì. Một số điều bạn cần lưu ý khi huấn luyện giống chó này:
– Chọn một cái tên để gọi chúng và gọi thường xuyên để chúng có phản xạ tốt hơn. Nên dành thời gian để cho chúng đi dạo ít nhất là 15 – 20 phút/ ngày.
– Chó Chow Chow có một đôi mắt sâu vì thế tầm nhìn của chúng bị hạn chế. Chính vì thế khi chơi và huấn luyện loài chó này thì người nuôi nên tiếp cận chó từ đằng trước. Chúng sẽ nhạy cảm hơn với những chuyển động phía sau và rất có thể trong trường hợp này bạn sẽ bị tấn công đấy.
Cần bắt đầu huấn luyện chó từ nhỏ và nên bắt đầu từ những bài tập cơ bản chẳng hạn như đi vệ sinh đúng chỗ, đi, đứng, nằm, ngồi. Hãy dành thời gian khoảng từ 1, 5 đến 2 tháng để dạy chúng những kỹ năng này và khi thuần thục thì mới chuyển sang những bài tập có mức độ khó cao hơn.
2.4 Cách phòng trị bệnh cho chó Chow Chow
Chow Chow là giống chó có hệ miễn dịch không tốt vì thế nếu không chú ý thì rất có thể những chú chó của bạn sẽ có thể tử vong vì một số bệnh. Sau đây là một số bệnh thường gặp ở chó này mà bạn nên tìm hiểu:
Chó Chow Chow rất dễ gặp những căn bệnh di truyền như:
– Những bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp…
– Những bệnh về xương như loạn sản xương hông, sai khớp xương bánh chè…
– Một số bệnh nghiêm trọng khác như u lympho, viêm tuyến giáp, đái tháo đường, myotonia,…
Để phòng ngừa bệnh cho chó thì trong quá trình chăm sóc người nuôi cần chú ý những điều sau:
– Lựa chọn giống tốt để hạn chế những bệnh di truyền.
– Tất cả chó con đều cần phải được đưa đến trạm thú y để kiểm tra sức khỏe và tiêm chủng các loại vắc xin phòng dịch, tẩy giun sán định kỳ.
– Chế độ ăn uống khoa học, thực phẩm và đồ đựng thức ăn cần sạch sẽ.
– Chải lông cho chó 2 – 3 lần/ngày và kiểm tra bộ phận mắt, mũi tai thường bị lông che khuất để hạn chế vi khuẩn trú ngụ.
Những chú chó Chow Chow sẽ không khó nuôi nếu bạn nắm vững kỹ thuật nuôi và chăm sóc chó Chow Chow như trên. Chúc bạn có được những chú chó tuyệt đẹp.
Camnangnuoitrong.com