Cây ba kích không còn quá xa lạ đối với người dân Việt Nam. Chúng có nhiều công dụng trong việc chữa các bệnh về phong thấp, đặc biệt là tráng dương, bổ thận, sinh tinh, tăng cường sinh lý ở nam giới. Hãy cùng camnangnuoitrong tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến cây ba kích nhé!

-
Cây ba kích là cây gì?
Cây ba kích tên khoa học là: Morinda officinalis How. Ba kích còn có tên gọi là cây ruột gà thuộc họ cà phê dạng dây leo thường xanh. Trong tự nhiên chúng mọc hoang dưới rừng thứ sinh nằm trong nhóm cây ngoại tầng thường thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Đông Bắc nước ta.
Ba kích là một loại cây thuốc dược liệu quý có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, tăng lực, chữa thấp khớp, giảm xơ cứng động mạch, tăng cường khả năng sinh lý nam giới. ..và có giá trị xuất khẩu cao. Do đó, nhu cầu lớn nên nhân dân thường vào rừng đào bới khai thác bừa bãi dẫn đến tình trạng giảm sút nghiêm trọng về số lượng và chất lượng cây, thậm chí có lúc tưởng chừng như loại cây này đã không còn nữa.
Từ năm 1972, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu về cây ba kích và thu được những kết quả khả quan, có thể phổ biến để mọi người gây trồng thành công thay vì việc khai thác trong tự nhiên, góp phần gìn giữ được một nguồn gen quý và tạo ra sản phẩm tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình.
-
Điều kiện trồng cây ba kích
Trong tự nhiên, cây ba kích sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng có đặc trưng khí hậu nhiệt đới mưa mùa. Một năm có 2 mùa rõ rệt mùa khô và mùa mưa, nhiệt độ không khí màu khô từ 8-24oC và trong mùa nóng từ 28-35oC, độ ẩm không khí trung bình cả năm trên 80% và tổng lượng mưa cả năm đạt từ 1100-2000mm.
Về đất đai, chỉ nên trồng ba kích trên các loại đất ẩm mát và thoát nước tốt, thành phần cơ giới trung bình (cát pha đến thịt), tầng đất dày trên 1m, nhiều mùn, tơi xốp. Tuyệt đối không trồng ở nơi úng bí, trường hợp trồng vườn nơi đất thấp cần phải lên luống cao.
Trong tự nhiên ba kích mọc nhiều dưới tán rừng thứ sinh nghèo kiệt, rừng khoanh nuôi phục hồi có độ tàn che từ 0,3-0,5. Cho nên nếu trồng ở nơi đất trống cần phải dùng cây che phủ.
-
Kỹ thuật nhân giống cây ba kích
Để nhân giống cây ba kích, chúng ta có 2 cách tạo cây giống là gieo ươm từ hạt và tạo cây con thừ hom thân. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các cách này nhé!
3.1. Nhân giống ba kích từ hạt
Ba kích ra hoa vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 và quả chín rộ vào tháng 12. Khi chín quả chuyển từ màu xanh sang màu hồng nhạt rồi màu đỏ. Chỉ nên lấy giống từ những cây mẹ 3 năm tuổi trở lên. Khi thu hái quả làm giống phải chú ý chọn những quả chín đỏ, không thu hái hàng loạt cả chùm sẽ dẫn đến chất lượng gieo ươm của hạt giảm.
Sau khi thu hái về, cho vào bao tải ủ trong bài ba ngày để vỏ quả chín nhũn ra đem chà sát và rửa thật sạch lớp thịt, đãi lấy hạt rồi đem hong hạt nơi râm mát cho ráo nước và khô.
Sau khi chọn hạt giống xong, nên sử dụng hạt để gieo ươm ngay, vì hạt ba kích rất mau mất sức nảy mầm, khó bảo quản. Trường hợp có điều kiện thì cất trữ hạt khô lạnh bằng cách lót vôi cục dưới hạt rồi cất kín trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5oC, với cách này cũng chỉ giữ được hạt trong vòng 6 tháng.
Gieo hạt cây ba kích
Có thể gieo hạt vào khay cát ẩm, hoặc gieo trên luống, hay gieo thẳng vào bầu.
– Gieo và khay: Trải một lớp cát ẩm trên khay làm bằng gỗ hoặc bằng tre nứa, rồi lắc hạt đều trên mặt cát. Đặt khay trong nhà sẽ giữ được nhiệt độ ấm hạt mau nảy mầm hơn. Chú ý phun nước đủ ẩm.
– Gieo trên luống: Làm đất trước từ 1,5-2 tháng cho đất ải, đất cần làm kĩ tơi mịn và nhặt hết rễ cây, cỏ dại. Lên luống nổi có gờ, bề mặt luống rộng 1m thật bằng phẳng. Bón lót cho đất gieo bằng phân chuồng hoai mục, tuyệt đối không được bón phân tươi. Sau đó đánh rạch ngang trên mặt luống, cự ly rạch cách nhau 15cm, sâu 2-3cm. Tưới nước nhẹ trên mặt luống rồi rắc hạt theo rạch, xong lấp đất bột cho kín hạt. Tiến hành ủ rạ hoặc cắm ràng cho hạt gieo, tưới nước đủ ẩm.
– Gieo thằng vào bầu: Dùng vỏ bầu nilon có đường kính 5-7cm và chiều cao 12-15cm. Thành phần ruột bầu gồm 78% đất tơi nhỏ + 20% phân chuồng hoai + 2% phân lân ( tính theo trọng lượng). Đóng bầu xong xếp vào luống có gờ cao hơn mặt bầu. Dùng que chọc lỗ sâu 2cm rồi thả 3-4 hạt vào mỗi bầu, lấp kín đất. Cắm ràng che mặt bầu và tưới nước đủ ẩm.
Cấy cây ba kích con
Sau khi gieo khoảng 1,5-2 tháng thì hạt ba kích mọc đều, nếu gieo trong khay hoặc gieo trên luống thì nhổ cây con cấy vào bầu đã đóng sẵn. Nếu gieo thẳng vào bầu thì nhổ tỉa giữ lại mỗi bầu 1 cây tốt nhất. Sau khi cấy cần cắm ràng hoặc che phên cho mặt luống và tưới nước đủ ẩm.
Thời gian nuôi cây trong vườn cho đến khi xuất cây đem trồng là 6-7 tháng, đạt chiều cao 20-25cm.

3.2. Tạo cây ba kích giống từ hom
Lấy hom ở thân cây mẹ 3 năm tuổi trở lên, lấy từ đoạn gốc lên đến hết phần bánh tẻ của thân, không lấy phần ngọn non. Chọn những đoạn thân hom có đường kính từ 3mm trở lên và có từ 1-3 lóng gồm 2-4 mắt. Mỗi đoạn hom cắt dài khoảng 25-35 cm và tỉa bỏ hết lá. Hom cắt đến đâu nên giâm ngay đến đó, trường hợp phải vận chuyển đi xa thì xếp hom và các hộp bẹ chuối buộc chặt và đặt vào trong các bao tải đã nhúng nước.
Thời vụ giâm hom vào vụ xuân hoặc vụ thu. Cần chuẩn bị sẵn các luống nổi, đánh rạch sâu 10cm ngang trên mặt luống, rạch nọ cách rạch kia 30cm. Đặt hom vào rạch theo chiều nằm nghiêng 45o, hom nọ cách hom kia khoảng 5cm rồi phủ đất mịn dày 2-3cm và nén chặt. Sau đó cắm ràng hoặc che phên trên luống và tưới nước đủ ẩm. Chồi sinh trưởng sẽ nảy từ các đốt phía trên, thời gian nảy chồi và ra rễ của hom khoảng 20-25 ngày.
Cây hom giống được xuất vườn đem trồng khi chồi thứ cấp đạt chiều cao 20-25cm, có 5-6 cặp lá trở lên và rễ dài 5-7cm.
3.3. Chăm sóc cây giống
Cây giống dù được tạo bằng hạt hay bằng hom đều phải được chăm sóc chu đáo ngay từ khi gieo hạt (hoặc giâm hom) cho đến khi xuất vườn đem trồng.
Biện pháp đầu tiên và rất quan trọng là tưới đủ nước cho cây, thời gian đầu phải tưới hàng ngày vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Khi cây đã mọc ổn định thì có thể cách 2-3 ngày tưới 1 lần. Lượng tưới cần đủ ẩm.
Làm cỏ phá váng, xới xáo định kỳ 7-10 ngày 1 lần cho cây con bằng tay để đảm bảo đất tơi xốp thoáng khí. Khi cây có từ 3 cặp lá trở lên cần bón thúc bằng hỗn hợp 70-80% phân chuồng hoai + 20-30% phân lân.
Cây gieo từ hạt trong giai đoạn gieo ươm thường bị bệnh lở cổ rễ. Biện pháp phòng trừ là làm vệ sinh vườn thật tốt. Không để nước đọng và rác tồn, không được dùng phân tươi. Khi thấy xuất hiện cây bệnh phải nhổ bỏ và đốt hết ngay, đồng thời phun toàn diện mặt luống bằng thuốc Booc đô nồng độ 0,5% với liều lượng 1 lít/m2.

-
Kỹ thuật trồng cây ba kích
4.1. Địa điểm trồng ba kích
+ Trồng ba kích dưới tán rừng tự nhiên: những dạng rừng thứ sinh nghèo kiệt, rừng khoanh nuôi phục hồi có độ tàn che thích hợp đều có thể tiến hành trồng xen cây ba kích. Tùy theo hiện trạng thực bì của đối tượng rừng mà quyết định trồng theo băng, theo ô hay theo đám. Nếu trồng theo băng thì băng chừa rộng 2-3m, còn băng chặt rộng 1-2m được phát dọn sạch thực bì rồi cuốc hố trồng ba kích trên đó. Trồng theo đám là chọn những khoảng rừng có độ tán che thích hợp rồi trồng rải rác cây ba kích vào đó.
+ Trồng ba kích dưới tán rừng trồng: đã có những mô hình thành công trồng ba kích với cây quế, cây keo…Thường sau khi trồng keo 1 năm và sau khi trồng quế 2 năm thì tiến hành trồng ba kích xen và giữa các hàng cây gỗ.
+ Trồng ba kích trong vườn hộ gia đình: có thể trồng dưới tán các loại cây ăn quả như cây mít, vải, nhãn, na…
+ Trồng nơi đất trống: cũng có thể trồng ba kích nơi đất trống như đất sau nương rẫy, đất đồi còn tốt, nhưng cần phải gieo trước các loài cây che phủ như cốt khí, đậu triều, đậu ma…gieo vãi toàn diện hoặc gieo theo băng.
4.2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ba kích
Nơi đất bằng phẳng cần lên luống để tránh ngập úng làm thối rễ. Nơi đất dốc cần đào hố sâu 50x50x50cm. Cự ly giữa các hố khoảng 2m. Bón lót bằng 5kg phân chuồng hoai + 0,2kg lân hoặc 0,3kg phân NPK cho mỗi hố, dùng cuốc trộn đều phân với đất, lấp cho gần đầy hố. Đặt cây giống vào giữa hố, nếu vỏ bầu bằng nilon cần lột bỏ trước, lấp đất và nén chặt làm vỡ bầu.
Thời vụ trồng có thể vào vụ xuân hoặc vụ thu, chọn những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ.
Chăm sóc cây trong 2 năm đầu mỗi năm 2-3 lần và từ năm thứ 3 mỗi năm 1-2 lần. Công việc chăm sóc là cuốc xới đất quanh khóm cây, nhặt cỏ dại và diệt bỏ những cây chèn ép. Năm thứ 2 có thể bón bổ sung khoảng 3kg phân chuồng hoai hoặc 0,3kg phân NPK cho mỗi gốc.
Ba kích là loài dây leo nên cần phải tạo giá đỡ cho cây leo lên. Trường hợp trồng dưới tán rừng thì có thể sử dụng giá đỡ tự nhiên là các cây có sẵn hoặc cắm que ban đầu để giúp cây leo lên giá đỡ tự nhiên. Trường hợp trồng nơi đất trống cần phải chôn các giá đỡ nhân tạo bằng cọc gỗ cao 1-1,5m.
-
Thu hoạch và chế biến cây ba kích
Bộ phận có giá trị nhất của cây ba kích là củ có hình xoắn như ruột già. Theo kinh nghiệm dân gian thì những củ có tuổi từ 5 năm trở lên và có màu tím là khai thác sử dụng tốt. Đào lấy củ ba kích vào các tháng 12 và tháng 1, đây là thời kỳ cây ngừng sinh trưởng. Chú ý khi thu hoạch củ cần kết hợp lấy dây thân làm hom giống
Củ thu hoạch về cần phân loại làm 3 loại, loại A là củ có đường kính từ 1,2cm trở lên, loại B là củ có đường kính từ 0,8-1,1cm và cụ loại C là những củ bé còn lại.
Cách chế biến đơn giản là tước bỏ phần lõi cứng của củ rồi đem phơi khô để cất giữ lâu dài.
Camnangnuoitrong.com